Hội chợ về công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Cà Mau
Nhiều chuyên gia nhận định, sản lượng tôm vẫn sẽ tăng, đạt khoảng 1 triệu tấn tôm các loại, tuy nhiên, kim gạch xuất khẩu khó đạt được như năm 2022.
Tình hình xuất khẩu tôm của nước ta năm nay gặp nhiều khó khăn. Thông tin này được Ban tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 đưa ra trong buổi họp báo giới thiệu sự kiện ngày 4/10.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp) cho biết, năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747.000 ha. Sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu tôm năm nay gặp nhiều khó khăn.
“Bước sang năm 2023, do nhiều yếu tố tác động, xuất khẩu tôm giảm mạnh. Theo số liệu của ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu tôm đến tháng 8 chỉ đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm. Nhiều chuyên gia nhận định, sản lượng tôm vẫn sẽ tăng, đạt khoảng 1 triệu tấn tôm các loại, tuy nhiên, kim gạch xuất khẩu khó đạt được như năm 2022”, ông Thắng nêu rõ.
Trong bối cảnh khó khăn, VietShrimp lần thứ 5 được tổ chức tại tỉnh Cà Mau từ ngày 20 – 23/3/2024, hướng đến cải thiện tình hình ngành tôm trong nước và đồng hành cùng người nuôi tôm; tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam tăng trưởng, phát triển bền vững. Dự kiến sẽ có khoảng 250 gian hàng của DN, tổ chức trong và ngoài nước. Hội chợ cũng có các hội thảo, chuyên đề với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tâm huyết với ngành tôm.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu trong buổi họp báo
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, Bộ NN&PTNT đánh giá cao VietShrimp. Chủ đề của Hội chợ là “Đồng hành cùng người dân” rất phù hợp, cần thiết trong điều kiện hiện nay. Qua Hội chợ làm sao tìm giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm - đối tượng dễ bị tác động tiêu cực, nhất là trong bối cảnh đang khó khăn. Cần có mô hình, giải pháp nuôi hiệu quả; giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người dân, DN và hướng tới xây dựng nghề tôm bền vững.
Nhiều năm qua, có những khó khăn nhưng con tôm vẫn là chủ lực của ngành thủy sản nước ta. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đóng góp khoảng 40% - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia và đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL