Xổ tôm ở Farm Con Tôm Rừng. Ảnh: XT
Phạm Xuân Thành lẹ lẹ từ Hà Nội về Cần Thơ tham dự một cuộc chia sẻ kinh nghiệm kích hoạt bán hàng qua mạng xã hội. Mấy nay là Tiktok do có những tiện ích đúng ý Thành...
“Tùy đặc điểm từng trang mạng xã hội mà làm content… còn Tiktok em có làm content gì đâu !?”, Thành nói: “Đây là những gì Farm Tôm rừng làm, xổ tôm xong đổ ra cả nhà cùng lựa, đèn tù mù; luộc xong đem vô nhà màng… Còn đây là quy trình làm bánh phồng tôm. Mọi thứ em đưa lên hết trên mạng. Mọi người ơi, ủng hộ Thành thì cứ nhắn tin, đặt hàng, nhận hàng xong cho ý kiến… Chỉ vậy thôi nhưng khách hàng có lòng tin. Cái Clip này nhiều comment và con nước đó em thu trên 300 triệu đồng”.
So với giai đoạn đầu, lên bờ xuống ruộng, giờ đây Phạm Xuân Thành điều hành Công ty TNHH Con Tôm (thương hiệu Con Tôm Rừng), Farms rộng 9ha rừng nhận khoán và khu Eco Homestay - tất cả gắn bó vào cụm từ quen thuộc là “công ăn việc làm” theo con nước.
Con tôm ở rừng ngập mặn Cà Mau, nguồn thức ăn là rong, tảo và các sinh vật phù du có trong tự nhiên. Theo con nước, mỗi tháng vào ngày rằm và con nước đầu tháng, anh có 2 lần thu hoạch.
Con Tôm Rừng qua khâu chế biến Công ty TNHH Con Tôm của Thành tạo ra mắm tôm chua Cà Mau; tôm khô truyền thống Cà Mau; riêu tôm đông lạnh; tôm đất đông lạnh; tôm thẻ lột vỏ đông lạnh,… Sản phẩm đã có mặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thông qua các kênh phân phối trực tiếp như siêu thị cửa hàng thực phẩm sạch và cả kênh bán hàng trực tuyến.
Người dân nhận khoán trồng và bảo vệ rừng ngập mặn để hệ sinh thái tự nhiên sinh sôi thì mới có thể thu được tôm, cá. Với mô hình này, người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, không dại gì vi phạm quy định quản lý rừng. Rừng ngập mặn tự nhiên và mô hình nuôi tôm dưới tán rừng là cách tạo ra những sản phẩm khác biệt với tôm nuôi công nghiệp. Các chủ rừng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Cà Mau có tiềm năng phát triển 20.000ha theo hướng này.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh năm 2014, ra trường đi làm một thời gian tại TP Hồ Chí Minh, rồi bỏ nghề kiến trúc để trở về quê khởi nghiệp. Hoàn toàn không có ý khuyến khích bỏ nghề được đào tạo; mà ở đây, Thành nhìn thấy khả năng tích hợp nguồn lực rất tiềm năng từ di sản nông lâm sinh ở vùng đất ngập mặn Cà Mau.
Có thể ban đầu, Kiến trúc sư Thành không biết hết ý nghĩa việc mình đang làm ứng với cái gì. Giờ đây anh hiểu hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu (Globally important Agriculture Heritage Systems - GIAHS) là thế nào.
Để đối phó với xu hướng toàn cầu làm suy yếu nông nghiệp và hệ thống nông nghiệp truyền thống, vào năm 2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững (WSSD, Johannesburg, Nam Phi), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc đưa ra một sáng kiến hợp tác toàn cầu về bảo tồn và quản lý thích ứng của “hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu”.
GIAHS được định nghĩa là: Hệ thống sử dụng đất và cảnh quan nổi bật ở đó giàu có về đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu, được phát triển từ sự cùng thích nghi của một cộng đồng người dân với môi trường thông qua việc đáp ứng những nhu cầu cần thiết và những khát vọng phát triển bền vững của cộng đồng đó.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng di sản nông nghiệp toàn cầu cần được hỗ trợ theo những cách tạo điều kiện phát triển bền vững để nó tiếp tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Ở Algeria, Azerbaijan, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Kenya, Mexico, Morocco, Peru, Philippines, Sri Lanka, Tanzania, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Hồi giáo… xem việc hỗ trợ các bên liên quan là cách quản lý thích ứng ở cấp quốc gia và địa phương để bảo tồn các hệ thống di sản nông nghiệp.
GIAHS là chuỗi hoạt động sống, phát triển gắn với cộng đồng trong mối quan hệ từ lãnh thổ, cảnh quan văn hóa, kinh tế, môi trường, xã hội rộng lớn hơn. Con người và các hoạt động sinh kế thích nghi với tiềm năng và hạn chế của môi trường, gắn bó cảnh quan và môi trường sinh học ở các cấp độ khác nhau; qua nhiều thế hệ trở thành hệ thống kiến thức của cộng đồng và ở mức độ nào đó các hoạt động sinh kế đa dạng, phức tạp được tích hợp một cách chặt chẽ thành tri thức bản địa.
Và, Phạm Xuân Thành đã lớn lên từ nền tảng sinh kế, xã hội, văn hóa từ cánh rừng ngập mặn. Từ nhiều lớp kiến thức, Kiến trúc sư Thành đã ngộ ra điều đó nên câu chuyện của anh ban đầu là “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để bán tôm”... thì nay là cả một hệ thống vận hành bộ máy quản lý vì di sản. Di sản ấy, cứ mỗi tháng hai con nước, trả công cho anh bằng tôm - cá, nguyên liệu để làm món ngon cho đời.
Còn, O.D. Atteh, chuyên gia thế giới, kiến thức bản địa là chìa khóa cho sự phát triển ở cấp địa phương, hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp và là cơ sở đánh giá tác động của quá trình phát triển.
Châu Lan ( Báo Cần Thơ)